Nhắc Rolex là nhắc tới món trang sức có trị giá hàng trăm ngàn đô, là nói tới những chiếc đồng hồ vô cùng chính xác và bền bỉ với thời gian. Từ các chính khách cho đến những bậc doanh nhân, từ những tài tử cho đến các bậc triệu phú, ai cũng bị quyến rũ bởi những chiếc đồng hồ Rolex. Giá trị của nó không chỉ đơn thuần nằm ở những kara vàng hay kim cương mà còn ở chính sự nổi tiếng của một nhãn hiệu đã có lịch sử hàng thế kỷ.
Rolex được sáng lập bởi Hans Wilsdorf – một doanh nhân vô cùng nhạy bén và sáng tạo trong kinh doanh. Vào năm 1905, ông và anh rể của mình – Alfred Davis đã thành lập nên công ty “Wilsdorf và Davis”, tiền thân của Rolex, SA sau này. Hoạt động kinh doanh chính của họ vào thời điểm đó là nhập khẩu những chi tiết, linh kiện về Anh để lắp ráp thành những chiếc đồng hồ hoàn chỉnh. Những chiếc đồng hồ đầu tiên này được bán cho các tiệm kim hoàn và được khắc chữ “W&D” (ghi tắt tên hai nhà sáng lập Wilsdorf và Davis) ở phần trong của nắp.
Hans Wildorf (1881-1960)
Hình chụp năm 1905
Vào năm 1908, Wilsdorf đăng ký nhãn hiệu Rolex và thành lập văn phòng ở La Chaux de Fonds, Thụy Sỹ. Công ty của ông chính thức được đặt tên là Rolex kể từ ngày 15/11/1915. Không biết cái tên “Rolex” bắt nguồn từ đâu, chỉ biết rằng, Wilsdorf muốn đặt cái tên này vì nó rất dễ dàng phát âm, cho dù bạn có là người nước nào chăng nữa. Có người thì nói, cái tên này xuất phát từ một cụm từ trong tiếng Pháp có nghĩa là “tinh tế và chính xác”. Người khác thì lại kể rằng “rolex” gợi lên liên tưởng về tiếng kêu của một chiếc đồng hồ đang bị thương (?!)
Hans Wilsdorf Chính Thức đăng ký tên Rolex vào ngày 2, tháng 7,1908
Vào năm 1914, ngay khi Hoàng tử Ferdinand nước Áo nổ phát súng, đẩy cả thế giới vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử thì Hans Wilsdorf người xứ Bavaria đã thành lập công ty đồng hồ Rolex ở London. Lúc đó, Hans Wilsdorf quyết định gửi sản phẩm của mình sang Đài thiên văn Thụy Sỹ để thử nghiệm và kiểm định tính chính xác của những chiếc đồng hồ Rolex.
Đây được xem là một quyết định đúng vì sau đó Rolex đã trở thành thương hiệu đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới có được chứng nhận về tính chính xác. Và cũng thật đúng lúc - Thế chiến thứ I bùng nổ, các binh lính đều cần đến một cái đồng hồ đeo tay hoạt động chính xác bởi chúng tiện lợi hơn hẳn loại đồng hồ bỏ túi khi hoạt động trong các chiến hào.
Năm 1919, Wilsdorf rời công ty của mình tới Genèva, Thụy Sỹ. Tại đây, công ty chính thức được đặt tên là Công ty đồng hồ Rolex (Rolex Watch Company). Sau nhiều lần đổi tên, cuối cùng cái tên Rolex, SA được chọn và tồn tại đến ngày nay.
Wilsdorf nhận ra rằng sự chính xác chính là giá trị thương hiệu trọng yếu của mình nên luôn quảng bá về đặc tính này vào bất cứ lúc nào có thể. Khi Mercedes Gleitze quyết định sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi qua eo biển Manche vào năm 1926, Wilsdorf lập tức tặng cho cô này một cái đồng hồ kiểu mới nhất hiệu Rolex Oyster, để giúp cô theo dõi thời gian trong khi vượt biển. Sự kiện này đã tạo nên tính công luận quý giá cho một thương hiệu đang trên đà phát triển.
Nếu tính chính xác là một mấu chốt thành công của Rolex, thì sáng tạo đột phá là mấu chốt thứ hai. Năm 1931, Rolex đăng ký bản quyền chiếc đồng hồ lên giây vĩnh cữu đầu tiên, có nghĩa là bộ phận lên giây bên hông đồng hồ không còn cần thiết nữa. Năm 1945, nó trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên có cửa sổ ghi nhận ngày tháng. Sau đó, công ty này còn tạo nên những đột phá khác như: chiếc đồng hồ lặn đầu tiên, chiếc đồng hồ ghi nhận cùng lúc hai múi giờ khác nhau đầu tiên…
Vô cùng đau buồn kể từ khi vợ mất vào năm 1944, Wilsdorf đã thành lập ra Quỹ từ thiện Hans Wildorf, và đóng góp tất cả cổ phần của mình tại công ty Rolex vào quỹ này. Hans Wildorf mất vào ngày 6-6-1960. Kể từ đó, công ty Rolex, SA được sở hữu bởi một tập đoàn tư bản, nhưng cổ phiếu của nó không hề được phát hành trên thị trường chứng khoán và một phần lợi nhuận của công ty vẫn được trích ra để đóng góp vào quỹ Hans Wildorf làm từ thiện.
Chính những phát minh trên cùng với sự phát triển khá thành công của Rolex đã khiến cho người ta xem lịch sử của thương hiệu này chính là lịch sử của ngành công nghiệp đồng hồ. Chiếc đồng hồ Rolex Oyster đã được kiểm tra kỹ càng bởi những gương mặt tiêu biểu của ngành công nghiệp đồng hồ và đạt được danh hiệu "Chiếc đồng hồ của Thế kỷ".
Thành công của Rolex không chỉ dựa vào sự phối hợp giữa chất lượng và tính sáng tạo mà còn có một yếu tố quan trọng khác nữa là marketing. Với một thương hiệu luôn được thật sự thèm muốn thì cầu phải luôn luôn vượt quá cung.
Trên khắp thế giới, đâu đâu cũng có những cửa hàng bán lẻ đồng hồ Rolex. Nhưng qua năm tháng, Rolex dần giảm bớt số lượng những đại lý bán lẻ đồng hồ của mình. Không như những thương hiệu khác luôn muốn mở rộng kênh phân phối của họ càng lúc càng rộng lớn hơn, Rolex đi theo con đường ngược lại. Khi không có bao nhiêu đại lý có bán đồng hồ Rolex thì hệ quả là cầu tự động tăng lên và hình tượng danh vị của Rolex ngày càng được củng cố vững chắc.
Hiện nay, Rolex đã vươn lên trở thành nhãn hiệu đồng hồ số 1 thế giới. Mỗi ngày, công ty Rolex, SA sản xuất được trên 2000 chiếc đồng hồ với doanh thu ước tính đạt 3 tỷ USD. Mỗi chiếc đồng hồ Rolex được xuất xưởng đều phải tuân thủ theo quy tắc chế tác và kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt nhất để đảm bảo rằng chúng luôn là những món đồ hoàn hảo số một khi đến tay khách hàng.
1926 French Rolex Mermaid Oyster Poster